Dây Balance XLR và những điều cần biết
Trong hệ thống âm thanh, dây tín hiệu mang nhiệm vụ truyền tải các tín hiệu mức thấp (thường từ vài milivolt đến vài volt) giữa các thiết bị có nhiệm vụ là nguồn phát âm thanh (thường là đầu đĩa, đầu CD, tuner, đầu băng…) với equalizer, preampli và giữa preampli truyền tới ampli công suất. Tùy vào cấu tạo lõi dây mà người ta sẽ phân thành các loại dây tín hiệu sau:
+ Dây tín hiệu âm thanh không cân bằng (Unbalanced Interconnect): Người chơi audio còn biết đến loại dây tín hiệu này với tên khác là single-end, được hàn với dạng đầu cắm RCA (bông sen), dùng để kết nối các thiết bị như đầu DVD, preampli… Các loại dây tín hiệu âm thanh không cân bằng thường sẽ chỉ có 2 lõi bên trong.
+ Dây tín hiệu âm thanh cân bằng (Balanced Interconnect): Đây là loại dây tín hiệu phổ biến hơn, có khả năng truyền tín hiệu ổn định và chống nhiễu tốt hơn so với dây tín hiệu không cân bằng. Cac loại dây tín hiệu này thường sử dụng dạng đầu cắm XLR (hay còn gọi là đầu cắm canon).
Dây tín hiệu âm thanh cân bằng với đầu cắm XLR
+ Dây tín hiệu âm thanh số (Digital Interconnect): là một dây tín hiệu đơn truyền tín hiệu digital, thông thường từ CD transport hoặc các nguồn digital khác tới bộ xử lý digital. Dây digital có loại làm bằng kim loại (coaxial) và loại làm bằng plastic hoặc thủy tinh hữu cơ (optical).
Đó là những loại dây tín hiệu âm thanh được sử dụng phổ biến hiện nay. Và phần tiếp theo mình sẽ đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất, những câu hỏi thường gặp nhất về loại sản phẩm này như: Dây tín hiệu tốt cần đảm bảo những điều kiện gì? Cấu tạo ra sao là đạt chuẩn? Dây tín hiệu giữa dàn âm thanh tại nhà và dàn âm thanh trong các hội trường, sân khấu biểu diễn có khác nhau hay không?
Nhiều người vẫn chưa ý thức được rõ tầm quan trọng của dây tín hiệu trong dàn âm thanh. Còn đối với các kỹ thuật viên và người am hiểu, thì dây tín hiệu được xem là vấn đề “sống còn” đối với dàn âm thanh của họ. Trong âm thanh chuyên nghiệp, dây tín hiệu được lựa chọn phải là loại dây có cấu tạo gồm rất nhiều các dây kim loại nhỏ bao quanh 2 dây điện mềm bên trong, và tất các các dây này được bọc bằng một lớp nhựa bảo vệ bên ngoài. Các thành phần dây kim loại bên trong thường chủ yếu sẽ sử dụng đồng, một số có thể mạ thêm bạc để tăng thêm hiệu quả truyền dẫn cho sản phẩm, cùng với đó là hợp chất để làm lớp vỏ bảo vệ bên ngoài… tất cả đều phải được lựa chọn với chất lượng tùy theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất và thương hiệu của sản phẩm.
Sở dĩ có những tiêu chuẩn khắt khe như vậy là do tín hiệu đầu vào của các nguồn âm thường rất nhỏ và yếu, vì vậy đòi hỏi hệ thống truyền tải cần phải đảm bảo truyền tải, tái tạo trọn vẹn nhất các tín hiệu này thì âm thanh mới có thể đạt chất lượng cao nhất. Đối với các loại dây tín hiệu âm thanh của những thương hiệu chuyên sản xuất dây tín hiệu âm thanh thì độ bảo toàn tín hiệu cao, khả năng chống nhiễu, chống tạp âm xâm nhập của các sản phẩm dây tín hiệu của họ rất tốt nên nó có thể kéo dài tối đa đến 300m mà chất lượng âm thanh vẫn bảo đảm.
Popcorn Hour A500 Pro có tích hợp cổng balance XLR
Hiện nay thì trên thị trường có rất nhiều loại dây tín hiệu âm thanh của nhiều nhà sản xuất với hình dáng, màu sắc cực kì bắt mắt. Nhưng chất lượng của các loại dây tín hiệu này thì cần phải kiểm tra lại. Các nhà sản xuất này thi nhau giảm giá sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, nhưng nhiều người lại không hiểu rằng việc giảm giá đó đi kèm với việc giảm chất lượng các chất liệu sản xuất nên dây tín hiệu, kéo theo giảm chất lượng sản phẩm. Nhiều loại dây tín hiệu âm thanh hiện nay đang được bán ra với giá bằng thậm chí thấp hơn cả dây điện mà chúng ta thường dùng trong gia đình có thể hiểu được chất lượng của nó thế nào.
Đó là tất cả những khái niệm cơ bản nhất về dây tín hiệu âm thanh và những vấn đề liên quan đến loại thiết bị này. Chúc các bạn sẽ có được những kiến thức mới về dây tín hiệu âm thanh, phục vụ quá trình làm việc trong lĩnh vực audio sau khi đọc bài viết này.