Cuộc chiến giữa iPhone và 2 đời CEO bất lực của Nokia
Đã 2 năm trôi qua kể từ ngày Nokia phải bán đi linh hồn của mình. Di sản của vị cựu vương di động một thời đã tan biến dưới tay Microsoft khi gã khổng lồ phần mềm thực hiện các đợt sa thải, đóng cửa nhà máy ồ ạt. Tất cả những gì còn lại là dòng chữ "Nokia" trên những chiếc điện thoại của Foxconn.
Số phận của Nokia đã được định đoạt từ rất lâu trước khi hãng này phải tuyên bố bán lại mảng di động cho Microsoft với giá rẻ mạt. Và đó là một hành trình đầy bi kịch: nếu không phải là ông lớn thống trị thị trường, Nokia đã không "chết" đau đớn tới vậy.
Nửa năm trước khi Apple ra mắt iPhone, CEO Jorma Ollila từ chức để nhường lại vị trí dẫn đầu cho Olli-Pekka Kallasvuo, một nhà lãnh đạo kỳ cựu cũng đã gắn bó với Nokia gần 3 thập kỷ. Thị phần toàn cầu của Nokia là 35%, bỏ xa đối thủ Motorola vừa "ăn may" với Razr. Gã khổng lồ Phần Lan lúc này chỉ có 2 điểm yếu cỏn con: không tham gia các trào lưu điện thoại nắp gập và điện thoại nghe nhạc do Motorola và Sony Ericsson làm chủ.
Thị trường smartphone trong năm 2006 vẫn chưa khởi sắc: tổng số smartphone bán ra trong cả năm chỉ là 48 triệu chiếc, thấp hơn cả doanh số iPhone mỗi quý trong những năm gần đây. Nói một cách chính xác, smartphone nằm ngoài nhu cầu mua sắm của đại đa số người tiêu dùng. Với họ, "điện thoại thông minh" là những sản phẩm đắt đỏ, xấu xí, phức tạp dành riêng cho đối tượng người dùng khối doanh nghiệp. Ngập tràn trong thế giới của BlackBerry và Palm, Phố Wall không tin rằng smartphone sẽ sớm trở thành một thị trường đại chúng như PC hay "dumb phone".
Jorma Ollila, vị CEO huyền thoại đã đưa Nokia lên đỉnh cao di động, đã từng nói: "Di động có thể giúp tăng mức độ sử dụng Internet, và chúng ta đều sẽ hưởng lợi".
Và quả thật là Nokia đã khởi động cuộc đua 3G, nhưng lại không thể tạo ra những chiếc điện thoại có thể lướt web dễ dàng.
Nhưng những kẻ đứng đầu thị trường smartphone lại không mang cùng một niềm tin với Phố Wall. Cùng với Motorola, Ericsson, Samsung và Psion, Nokia thành lập "gia đình" Symbian với tham vọng cao đẹp rằng tất cả các nhà sản xuất smartphone sẽ quy tụ dưới một hệ điều hành duy nhất. Nếu không có một tiêu chuẩn chung như Symbian, thị trường smartphone sẽ phân mảnh trầm trọng; người dùng và giới phát triển ứng dụng sẽ bị sẽ nhỏ ra hàng chục hệ điều hành có tính năng tương đồng nhưng không tương thích về chất lượng và mã nguồn.
Dưới sự dìu dắt của cả 3 ông lớn sáng lập lẫn các tên tuổi đến sau như LG, Fujitsu và Sharp, Symbian nhanh chóng trở thành hệ điều hành áp đảo: kết thúc năm 2006, hệ điều hành này chiếm tới 67% số smartphone bán ra, gấp 4 lần đối thủ đứng thứ 2 là Windows Mobile. Là người tiên phong cho dự án Symbian, Nokia cũng được hưởng miếng bánh lớn nhất: với thị phần 48%, những chiếc Nokia Symbian là bộ mặt đại diện cho kỷ nguyên smartphone trước khi iPhone ra đời.
Chỉ 6 tháng sau khi vị CEO huyền thoại Jorma Ollila trao lại quyền lãnh đạo cho phó tướng Olli-Pekka Kallasvuo, Nokia đột nhiên phải đối mặt với một đối thủ chưa từng có chút kinh nghiệm nào trên lĩnh vực di động. Tháng 1/2007, Steve Jobs khiến cho cả thế giới xôn xao khi ra mắt iPhone tại sự kiện MacWorld.
So với smartphone Nokia cùng thời, chiếc iPhone đầu tiên có vô số điểm yếu. Thậm chí, đây còn không phải là một chiếc điện thoại "thông minh" đúng nghĩa như smartphone Symbian: iPhone OS 1.0 không hỗ trợ cài ứng dụng độc lập, thay vào đó chỉ hỗ trợ "ứng dụng" nền web. Xét trên nhiều khía cạnh, iPhone là minh chứng cho sự non nớt của Apple: 14/15 tính năng bổ sung được Apple đưa lên iPhone 3G và iPhone 3GS sau này đều đã có mặt trên chiếc N95 ra mắt từ tận 2007.
So với 3 thế hệ iPhone đầu tiên, N95 chỉ có một thiếu sót duy nhất: không có màn hình cảm ứng.
Sau khi iPhone ra đời, CEO Nokia, Olli-Pekka Kallasvuo khẳng định: "Màn hình cảm ứng dĩ nhiên là không của riêng ai cả. Chúng tôi đã đưa cảm ứng lên thị trường từ 5 năm trước, năm nay sẽ có thêm 5 mẫu Nokia cảm ứng ra đời".
Điểm yếu duy nhất của Nokia sẽ bị bộ máy marketing của Apple khai thác triệt để. Phố Wall, Thung Lũng Silicon và báo giới "nuốt" từng lời của Steve Jobs: bàn phím, bút stylus thuộc về quá khứ, màn hình cảm ứng điện dung là hiện tại và tương lai. Với Phố Wall, iPhone là hiện thân của khái niệm "PC bỏ túi". Sự thật là chính Nokia mới là hãng sáng tạo ra chiếc smartphone đầu tiên, mới là hãng điện thoại đầu tiên dám coi sản phẩm của mình là "một cỗ máy tính đa phương tiện", mới là kẻ tiên phong cho cuộc cách mạng 3G. Bất công thay, với người tiêu dùng, khái niệm "smartphone đầu tiên" nay lại thuộc về Apple. Công cuộc phổ cập smartphone vốn do Nokia khởi xướng nay lại được gọi tên Steve Jobs.
Nhưng quả thật là nhờ có cảm ứng mà trải nghiệm sử dụng trên iPhone khác hẳn với Nokia. Chất lượng trình duyệt và email trên iPhone tốt hơn hẳn những chiếc Nokia thông thường. Cuộc chơi smartphone nay đã bị thay đổi về bản chất. Muốn đấu lại Apple, bạn phải có cả 2 thứ: màn hình cảm ứng và một bộ máy marketing lão luyện.
Đó đều là những bài toán Nokia bất lực không thể giải được. Đi kèm với màn hình cảm ứng của iPhone là một mức giá Nokia không bao giờ nghĩ tới, bởi khẩu hiệu của hãng điện thoại Phần Lan là "Connecting People" - kết nối tất cả mọi người chứ không phải là "kết nối người giàu ở Mỹ". Đáng ngại hơn, văn hóa của người Phần Lan cũng không cho phép tạo ra một bộ máy marketing hữu hiệu như Apple, một cá tính như Steve Jobs trong ngày một ngày hai.
Bạn không thể giết chết một gã khổng lồ chỉ bằng một nhát dao duy nhất. Thực tế, những năm trước và sau iPhone chứng kiến Nokia đạt tới đỉnh cao về công nghệ. Năm 2006, N93 ra mắt với nhiều tính năng thậm chí còn vượt mặt cả... iPhone 4 sau này. Siêu phẩm N95 của năm 2007 đạt doanh số lên tới 15 triệu chiếc! Bên cạnh N95, E90 Communicator biến giấc của giới người dùng chuyên nghiệp trở thành hiện thực nhờ vào khả năng biến hình từ một "thanh kẹo" Nokia bình thường thành một chiếc smartphone có bàn phím QWERTY đầy đủ.
Cuối năm 2008, Nokia lại đạt được thành công khi chiếc 5800 XpressMusic ra đời và đạt doanh số lên tới 8 triệu chiếc chỉ trong vòng 12 tháng sau khi phát hành. Người tiêu dùng rõ ràng là có hứng thú với smartphone cảm ứng của Nokia. Tuy vậy, do là một sản phẩm giá rẻ, XpressMusic không được coi là một đòn đánh trực diện vào iPhone.
Nokia 5800 XpressMusic ra mắt năm 2008
"Tôi không nghĩ những gì chúng ta đã thấy từ Apple sẽ bắt Nokia phải thay đổi cách nghĩ về tính 'mở', về phần mềm và mô hình kinh doanh của chúng tôi", Kallasvuo khẳng định chắc nịch về iPhone trước khi vội vã bám đuổi (và thất bại đau đớn) với N97.
Phải gần 2 năm rưỡi sau khi iPhone ra đời, đến tháng 6/2009, Nokia có thể tung ra câu trả lời chính thức dành cho Apple: mẫu đầu bảng N97.
Đây chính là thời khắc đen tối quyết định đến số phận của Nokia sau này: so với iPhone và so với tất cả những chiếc Nokia trước đó, N97 thực sự là một thảm họa. Bất cứ một bài so sánh nào cũng cho thấy màn hình cảm ứng của N97 quá chậm chạp và đôi khi còn gặp lỗi. Bước sang năm thứ 2 với trọng tâm mới là cảm ứng, Symbian vẫn còn quá nhiều bug. Di sản của giao diện bàn phím vẫn còn quá rõ ràng. Thiếu RAM và dung lượng bộ nhớ, ứng dụng của N97 sẽ crash bất chợt.
Thậm chí, Nokia đã phải đợi 6 tháng từ ngày công bố mới có thể đưa N97 lên kệ mà vẫn không thể giải quyết hết lỗi.
Cũng giống như bi kịch của BlackBerry Storm hay Apple Newton, danh tiếng của Symbian sẽ chính thức bị hủy hoại vì một sản phẩm tệ duy nhất. Với Phố Wall, N97 là sản phẩm tuyệt vời nhất của Nokia, là nỗ lực đánh bại Apple ngay trên chính chiến trường cảm ứng do Apple khai mạc. Nếu như ngay cả con át chủ bài ấy còn thất bại, Nokia còn có thể làm được gì hơn?
Đến cả phó chủ tịch của Nokia lúc đó là Anssi Vanjoki còn phải thừa nhận rằng vì các vấn đề trong khâu kiểm soát chất lượng phần mềm.
Quả thật, đó là cái bẫy của thời đại. Từ năm 2006 trở về trước, người dùng có lẽ sẽ không quá bận tâm đến phần mềm, bởi xét cho cùng thì những chiếc Nokia, BlackBerry hay Samsung của thời đại tiền-iPhone vẫn mang tính cơ học nhiều hơn là số hóa, Internet-hóa. Thế rồi, với sự góp mặt của Apple và Google, vốn đều là các công ty rất mạnh về phần mềm, bản chất của cuộc chơi đã thay đổi. Bên dưới màn hình cảm ứng điện dung, trải nghiệm phần mềm quyết định tất cả.
Người ta sẽ nhanh chóng kêu gọi Nokia phải thay đổi. Ngay từ khi HTC và Motorola đạt được những thành công đầu tiên, báo giới và Phố Wall đã kêu gọi gã khổng lồ Phần Lan phải từ bỏ Symbian và chuyển sang Android. Cũng có những người khẳng định Nokia cần phải mua lại Palm, công ty sở hữu hệ điều hành di động ngang tầm Android thời bấy giờ. Và đó là còn chưa kể đến một hệ điều hành chất lượng cao nhân Linux do chính Nokia phát triển: Maemo 5.
"Một trong những người tiên phong của ngành hi-tech, Alan Kay, có rất nhiều câu nói để đời. Mới đây, tôi đọc được một câu lý giải cách Apple nhìn mọi việc: Những người thực sự nghiêm túc theo đuổi phần mềm cần phải tạo ra phần cứng của riêng họ", Steve Jobs khẳng định tại Macworld 2007.
Nhưng gã hiệp sĩ nào cũng gàn dở. Tháng 6/2008, Nokia bỏ ra hàng tỷ USD để mua lại toàn bộ quyền sở hữu Symbian Ltd. Thay vì tập trung phát triển hệ điều hành này cho nhu cầu của riêng mình, Nokia lại thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để mở rộng khả năng tiếp cận của cả ngành công nghiệp viễn thông tới Symbian. Gã khổng lồ Phần Lan không muốn bỏ rơi cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng đã hàng năm trời gắn bó với đứa con tinh thần của mình.
Symbian cũng không phải là không có tiềm năng. Trên nhiều khía cạnh, hệ điều hành của Nokia đi trước Apple vài bước: phải trải qua 3 thế hệ, iPhone OS mới có đầy đủ app, copy-paste và đa nhiệm, vốn đều là các tính năng đã có mặt trên Symbian từ trước 2007. Và đó là còn chưa kể đến những lùm xùm xung quanh Flash, công nghệ đặc biệt quan trọng với Internet của thập niên 2000 nhưng lại bị Steve Jobs kiên quyết ghẻ lạnh.
Đáng tiếc rằng Symbian không có cảm ứng và cũng không nên có cảm ứng. Từ phiên bản đầu tiên ra mắt vào năm 2008 cho đến Symbian^3 có hỗ trợ cảm ứng đa điểm trên N8, hệ điều hành của Nokia vẫn liên tiếp mang tiếng xấu vì không tương thích với màn hình touch hay chip ARM xung nhịp cao. Triết lý cải tiến Symbian cho phù hợp với các nền tảng mới buộc Nokia phải phát triển độc lập từng phần nhỏ của hệ điều hành này và đến sát ngày phát hành của N8 mới đem ghép lại cùng nhau. Đến cuối cùng, phần mềm Symbian vẫn bị chỉ trích là yếu tố cản trở sức mạnh xử lý của N8.
Kết thúc quý đầu năm 2010, số lượng smartphone Symbian bán ra vẫn cao hơn cả iPhone, Android và BlackBerry cộng lại. Thế nhưng, gã khổng lồ Phần Lan chỉ thu về vỏn vẹn 65 triệu Euro tiền lãi trên 9,5 tỷ Euro doanh thu. Lợi nhuận biên của giảm từ mức 21% của năm 2006 xuống còn 6% trong năm 2010. Chỉ trong vòng 1 năm, Symbian đã mất tới 10% thị phần.
Người dùng rõ ràng là đang thèm muốn những chiếc điện thoại cảm ứng. Tương lai không còn thuộc về Nokia.
Xen giữa N97 và N8, Nokia ra mắt chiếc N900 chạy hệ điều hành Maemo 5 vào tháng 9/2009. Đây có lẽ là thành tựu công nghệ đáng kể nhất của công ty Phần Lan trong thời đại chuyển giao. Khác với Symbian, Maemo 5 có nhân Linux giống như Android, có trình duyệt nhân Mozzila và thậm chí còn có nhiều tính năng giao diện ngang ngửa với Mac OS X cùng thời.
Tiềm năng nhanh chóng trở thành bi kịch. Chẳng hiểu vì lý do gì, Nokia lại không bắt tay cùng các nhà mạng Mỹ thực hiện chiết khấu theo thuê bao cho N900, ngăn cản chiếc điện thoại này đến tay người dùng Mỹ theo cùng một cách Apple và AT&T đã sử dụng để phổ cập chiếc iPhone đắt đỏ. Bước sang năm 2010, đàn em của N900 vẫn không chịu ra đời. 1 năm sau, Nokia đã vội từ bỏ Maemo 5 để bắt tay cùng Intel ra mắt một hệ điều hành mới có tên MeeGo.
Trong những tháng đầu tiên, MeeGo vẫn có tương lai. Sự kiện công bố MeeGo được đón nhận hết sức tích cực tại MWC, tháng 2/2010. Các công ty như Aminocom, Novell và AMD nhanh chóng gia nhập liên minh MeeGo để đẩy nhanh quá trình đưa hệ điều hành này lên mọi nền tảng, từ smartphone đến TV. Tháng 8/2010, một bản mẫu của MeeGo (sau này trở thành N950) rò rỉ trên mạng.
N950 chạy MeeGo chỉ được phát hành cho các nhà phát triển.
Mọi thứ lại một lần nữa sụp đổ. Tháng 9/2010, thị phần smartphone của Nokia chỉ còn lại 31%, CEO Olli-Pekka Kallasvuo bị sa thải. Sau 6 tháng tại nhiệm, CEO mới Stephen Elop thừa nhận thảm cảnh của Nokia: Android đã vượt mặt thị phần smartphone quốc tế của Nokia. Các tổ chức tài chính uy tín như Moody và Standard & Poor đánh tụt hạng tín dụng của hãng điện thoại Phần Lan. Tình cảm của người tiêu dùng trên toàn cầu đã giảm sút đáng kể.
Ngày 8/2/2011, Stephen Elop gửi đi bức thư "giàn khoan cháy" huyền thoại để thức tỉnh Nokia: "Khi ngọn lửa đến gần, người đàn ông chỉ còn vài giây để quyết định. Ông ta có thể tiếp tục đứng trên giàn khoan và chấp nhận bị thiêu đốt. Hoặc, ông ta có thể nhảy, 30 mét vào làn nước lạnh cóng...
Và ông ta nhảy xuống. Trong hoàn cảnh bình thường, sẽ chẳng ai nghĩ đến chuyện nhảy vào làn nước lạnh cóng. Nhưng đây không phải là tình cảnh bình thường - giàn khoan của ông ta đang cháy. Thế rồi ông ta sống sót cú nhảy trên cao và làn nước lạnh cóng. Sau khi được cứu, ông ta nhận thấy tình cảnh 'giàn khoan cháy' đã thay đổi cách suy nghĩ, hành động của ông ta.
Nokia cũng đang đứng trên một giàn khoan cháy. Và chúng ta phải quyết định sẽ thay đổi như thế nào".
Làn nước lạnh cóng của Nokia không có MeeGo. "Chúng ta đã dự tính rằng MeeGo sẽ là nền tảng cho nhiều thắng lợi trên thị trường smartphone cao cấp. Tuy vậy, cứ đà này thì đến đến cuối năm 2011 Nokia sẽ chỉ có một sản phẩm MeeGo duy nhất", Elop khẳng định. Với tuyên bố hợp tác cùng Microsoft, Elop chính thức ra lệnh khai tử hệ điều hành nhân Linux của riêng mình.
Chiếc smartphone MeeGo đầu tiên và duy nhất, Nokia N9 vẫn đến tay người dùng tại sự kiện Nokia Connection tổ chức vào tháng 6/2011. Như một trò đùa của định mệnh, chiếc smartphone xấu số này được đón nhận rất tích cực trên cả hai khía cạnh phần cứng và phần mềm. Người hâm mộ và các cựu nhân viên thậm chí còn mở chiến dịch ký tên kêu gọi Elop suy nghĩ lại! Song, số phận đã được định đoạt: MeeGo phải chết để Nokia có thể tập trung duy nhất vào Windows Phone.
Tháng 11/2011, danh mục Lumia của Nokia được mở đầu với Lumia 800, một mẫu smartphone cao cấp chạy Windows Phone 7. Có thể nói không sai rằng, đây chính là điểm mở đầu cho một niềm hy vọng mới. Cuối cùng thì Lumia 800 vẫn là sự kết hợp của một gã khổng lồ có thế mạnh về phần cứng và một gã khổng lồ từng hàng chục năm thao túng cả thế giới.
Đáng tiếc rằng ngay cả Microsoft cũng không thể giúp cho Windows Phone thoát khỏi số phận bi kịch của Palm OS, MeeGo, Symbian và BlackBerry 10. Tại thời điểm Nokia đặt cược vào Windows Phone, iPhone OS (nay đã được đổi tên thành iOS) và Android đều đã trưởng thành về mặt tính năng và đều đã lôi cuốn được phần lớn các nhà phát triển ứng dụng trên toàn cầu. Các tín đồ mua Lumia nhanh chóng nhận ra một sự thật cay đắng: hệ điều hành của họ quá thiếu tính năng và ứng dụng so với Android.
Doanh số Nokia suy giảm tệ hại đến mức vào thời điểm giữa năm 2012, một cổ phiếu Nokia chỉ còn đáng giá 2 USD. Công ty đang tiến sát đến bờ vực phá sản thì đến cuối năm đó, một niềm hy vọng mới xuất hiện: Lumia 920 và Windows Phone 8. Cùng lúc, danh mục Asha được ra mắt để tấn công vào thị trường giá rẻ, thay thế cho các mẫu "dumb phone" nay đã trở thành vô nghĩa trong một thế giới tràn ngập những chiếc smartphone Android giá 200 đô.
So với thất bại của thế hệ Windows Phone 7, thành công của những chiếc Lumia chạy Windows Phone 8 thực sự đáng khích lệ. Chất lượng gia công tuyệt hảo, các cải tiến về mặt công nghệ để bắt kịp với Android về mặt cấu hình và tính năng đã giúp cho nhiều fan truyền thống của Nokia đến với chiếc Lumia đầu tiên của họ. Từ Lumia 920, 928 và 925 đến chiếc Lumia 1020 siêu ấn tượng (camera 51MP), Nokia được tung hô là công ty số 1 thế giới về chất lượng camera smartphone. Tình hình tài chính bắt đầu được cải thiện.
Một vị phó chủ tịch của Google lúc đó đưa ra lời mỉa mai về Microsoft và Nokia: "Hai con gà tây không thể tạo ra một con đại bàng".
Đáng tiếc, cánh cửa ứng dụng vẫn khép chặt. Trong hàng năm trời, Facebook kiên quyết không đưa nền tảng của mình lên WP8, những bài báo dạng như "Instagram liệu có đặt chân lên Windows Phone" xuất hiện một tháng một lần. Mặc dù Microsoft vẫn liên tiếp gia tăng chất lượng cho các dịch vụ dữ liệu độc quyền cho Windows Phone, các tín đồ Nokia vẫn nhanh chóng nhận ra rằng điện thoại Lumia của họ chỉ là những lời hứa tiềm năng không bao giờ trở thành hiện thực.
Chính lúc này, chiếc Nokia chạy Android đầu tiên mới bắt đầu được phát triển. Đáng tiếc, vai trò của dự án Nokia X không phải là để đưa Nokia trở lại top 5 thế giới mà là để Microsoft buộc phải bỏ tiền ra cứu lấy đối tác duy nhất còn lại của Windows Phone. Tháng 9/2013, Microsoft tuyên bố sẽ mua lại mảng thiết bị của Nokia với giá rẻ mạt: 7,3 tỷ USD.
Câu chuyện bi kịch của Nokia tràn ngập những khoảnh khắc "giá như". Giá như Nokia chịu đến với Android ngay từ đầu. Giá như Symbian bị từ bỏ sớm hơn. Giá như Nokia không khai tử MeeGo. Giá như Nokia không "rước" người của Microsoft về làm lãnh đạo.
Chưa đầy 1 năm sau khi lên nắm quyền, Satya Nadella sa thải Stephen Elop. Từng phần nhân sự, máy móc và thương hiệu của Nokia bị Nadella bán đi hoặc thậm chí là xóa bỏ. "Rõ ràng là chúng ta đã để lỡ cơ hội di động", vị CEO của Microsoft thừa nhận vào cuối năm 2016.
Nhưng trớ trêu thay, ước nguyện ý nghĩa nhất với Nokia của 10 năm sau nhìn lại sẽ phải là: Giá như N93, N97, 5800 XpressMusic, E71... đều thất bại thảm hại. Giá như iPhone bán được 50 triệu chiếc ngay trong quý đầu ra mắt. Bi kịch lớn nhất của Nokia là ở chỗ khi đứng trên đỉnh dàn khoan, gã khổng lồ Phần Lan đã không thể nhìn thấy những ngọn lửa âm ỉ đang dần dần bùng lên mạnh mẽ. Nếu Nokia hiểu rằng tương lai của điện thoại tính năng và smartphone không-cảm-ứng đã khép lại ngay từ khi Steve Jobs ra mắt iPhone vào ngày 9/1/2007, có lẽ Nokia sẽ không vương vấn Symbian đến như vậy. Có lẽ MeeGo đã ra đời sớm hơn để trở thành tiêu chuẩn của smartphone thời đại mới. Có lẽ Nokia sẽ chính là kẻ giết chết cả Android lẫn Windows Phone.
Đáng buồn thay, đó đều là những nguyện ước vô nghĩa cho quá khứ.
- Nguồn: genk.vn