Tổng quan về USB-C, kết nối công nghệ của tương lai

monospace-usb-c-1.jpg

Khởi nguồn từ iPhone 7 của Apple với việc loại bỏ jack 3.5 mm ra khỏi sản phẩm của mình, hiện nay các hãng phần cứng di động cũng đã và đang bắt đầu triển khai kế hoạch thay thế jack 3.5 mm bằng một chuẩn kết nối mới hơn. Moto Z của Motorola không còn sử dụng jack 3.5 mm nữa và một số sản phẩm smartphone mới của LeEco cũng vậy. Người dùng lâu năm quả thật rất khó chối bỏ jack 3.5 mm vốn đã là một tiêu chuẩn thông dụng từ lâu, trong đó phần nhiều còn lên tiếng chê trách sự thay đổi này là không cần thiết. Bài viết sau đây sẽ phân tích và so sánh một số điểm khác biệt cả ưu và khuyết giữa jack 3.5 mm và chuẩn kết nối mới USB-C, giúp bạn đọc hiểu hơn phần nào về kiểu kết nối tiên tiến này

Về phương thức hoạt động, jack 3.5 mm chỉ có khả năng truyền tải tín hiệu analog audio do đó tất cả mọi quá trình xử lý tín hiệu digital audio cùng các thành phần điều khiển tai nghe sẽ được đảm nhiệm bởi smartphone. Kết nối USB-C thì ngược lại với khả năng tiếp nhận trực tiếp thông tin audio và xử lý một cách độc lập, đồng thời cũng có thể truyền tải dòng nguồn hay thậm chí là truyền tải tín hiệu analog audio tương tự như jack 3.5 mm, từ đó mang lại cho nó lợi thế không nhỏ trước người anh em của mình.

Ưu thế

monospace-usb-c-2.jpg

Ưu thế lớn nhất của USB-C là khả năng truyền tải trực tiếp thông tin digital audio từ đó bảo đảm được chất lượng tốt nhất cho âm thanh. Ưu điểm này tuy có hiện diện nhưng thực sự không phải là một điểm quá mạnh để các nhà sản xuất có thể tâng bốc quá đà. Sau khi tiếp nhận thông tin digital audio, tất cả các quá trình xử lý tín hiệu âm thanh sẽ được phần cứng của tai nghe đảm nhiệm, đảm bảo được chất lượng hoàn hảo nhất cho âm thanh đồng thời hạn chế hiện tượng nhiễu có thể gây ra bởi cable hay các thành phần bên trong nguồn phát (smartphone, máy nghe nhạc chuyên dụng...)

Khả năng truyền tải thông tin digital audio của kết nối USB-C còn cho phép các hãng sản xuất tai nghe lựa chọn phần cứng phù hợp cho sản phẩm tai nghe của mình (ví dụ chip DAC, amp tích hợp...) mà không phải phụ thuộc vào những gì có sẵn bên trong nguồn phát. Người dùng sẽ được lợi từ cả 2 phía khi có thể sắm cho mình một chiếc tai nghe cao cấp cũng như một chiếc smartphone có chức năng vừa đủ với mức giá phải chăng hơn. Nhận định này không phải đang chê bai chất lượng phần cứng của các hãng thiết bị di động, chỉ là đa phần họ không quá quan tâm đến vấn đề này.

Dĩ nhiên USB-C không chỉ có chức năng truyền tải thông tin audio mà nó sở hữu hầu như tất cả những lợi thế của thiết kế USB tiêu chuẩn. Với kết nối này, các tính năng của remote control sẽ có độ tương thích với các thiết bị di động cao hơn nhiều lần so với jack 3.5 mm. Ngay cả các tính năng cao cấp như shuffle, dò track hay EQ cũng có thể được lập trình hoàn hảo mà không vướng phải những hạn chế của giao diện kết nối. USB-C cũng sẽ cho phép người dùng tùy biến trực quan và dễ dàng hơn với những tính năng riêng của các phần mềm trong tương lai.

monospace-usb-c-3.jpg

Tính năng chống ồn cũng là một ưu điểm dễ thấy của kết nối USB-C khi hầu hết những chiếc tai nghe chống ồn sử dụng jack 3.5 mm hiện nay đều phải đi kèm với pin riêng. Jack USB-C sẽ triệt tiêu được điều này với khả năng sử dụng dòng nguồn trực tiếp từ thiết bị được kết nối, cung cấp cho người dùng chiếc tai nghe chống ồn nhỏ gọn với khối lượng nhẹ hơn rất nhiều, thuận tiện với nhu cầu sử dụng portable. Đó là chưa kể đến cơ cấu jack USB-C còn có kích thước nhỏ hơn nhiều so với jack 3.5 mm, tiết kiệm được kha khá chỗ trống trên thân máy smartphone hay DAP. Trong tương lai, USB-C sẽ có khả năng thay thế cho cả HDMI, trở thành một tiêu chuẩn chung cho các dàn âm thanh gia đình tầm trung và cao cấp.

Khuyết điểm

Trên lý thuyết, một tiêu chuẩn chung luôn luôn là rất tốt nhưng thực tế điều này không hẳn là chính xác. Bước chuyển mình của thị trường đồ công nghệ từ jack 3.5 mm sang USB-C sẽ là một quá trình vô cùng khó khăn. Điều đầu tiên là chất lượng âm thanh khi chuyển từ tín hiệu analog audio sang thông tin digital audio xử lý trên tai nghe tuy sẽ mang lại sự cải thiện về chất lượng nhưng không quá nhiều. Người dùng hoàn toàn có thể đạt được chất lượng âm thanh tương tự nếu đang sở hữu một chiếc tai nghe cao cấp sử dụng jack 3.5 mm. Như vậy về sơ bộ người chơi chuyên nghiệp sẽ không mấy quan tâm đến USB-C. Đối với người dùng tầm trung và không chuyên, đa số họ sẽ có suy nghĩ theo hướng “có cũng được mà không có cũng được”, từ đó tạo ra một sự thờ ơ hay theo hướng chờ đợi giá thành giảm. Riêng về phần các nhà sản xuất phần cứng có thể sẽ sử dụng cơ hội này để quảng cáo tâng bốc nhằm nâng cao giá thành cho sản phẩm của mình. Suy ra người bán thì đắt còn người mua thì thờ ơ hoặc chờ giảm giá, không ai được lợi gì cả.

monospace-usb-c-4.jpg

Với đặc điểm kỹ thuật cho phép truyền tải trực tiếp thông tin digital audio, phần nhiều khả năng cổng USB-C sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiễu xung (clock jitter) từ nguồn phát, từ đó có thể khiến cho chất lượng âm thanh vừa cải thiện được bao nhiêu đã phải giảm đi bấy nhiêu (như nói trên: chất lượng âm thanh sẽ cải thiện tuy nhiên KHÔNG NHIỀU). Cổng USB-C cũng không tương thích với hầu hết các dòng tai nghe cao cấp hiện nay, gây nên sự do dự không nhỏ cho người chơi âm thanh lâu năm. Sử dụng adapter cũng không phải là một cách tối ưu vì có thể gây ra nhiễu từ đầu cắm, hoặc làm cho cable quá dài gây vướng víu và rối rắm khi sử dụng. Chưa hết, các nhà sản xuất có thể bỏ luôn tính năng tương thích ngược của USB-C cho 3.5 mm, một điểm cực kỳ rủi ro cho người dùng cao cấp vốn là đối tượng chính của các sản phẩm công nghệ.

Thêm một điểm trừ nữa là chúng ta sẽ không thể vừa nghe nhạc vừa sạc điện thoại (ngoại trừ khả năng xuất hiện các thiết bị adapter trong tương lai). Do chỉ sử dụng chân cắm VBUS hoặc VCONN chứ không bao gồm cả 2, cổng USB-C còn có thể không tương thích với các thiết bị hay củ sạc khác nhau (gần như theo kiểu cắm vừa đầu cắm nhưng không nhận / không sạc thiết bị).

Quá nhiều linh kiện trong tai nghe dùng cổng USB-C hoạt động cùng lúc sẽ sử dụng nguồn năng lượng nhiều hơn, gây tốn pin cho thiết bị di động được kết nối. Để giải quyết vấn đề này, các nhà sản xuất sẽ phải kèm thêm một số IC trợ nguồn trên mạch tai nghe, từ đó làm tăng giá thành tai nghe cũng như có thể gây nhiễu thêm vì có quá nhiều linh kiện. Đây là điểm mà chắc chắn không người dùng nào cảm thấy dễ chịu.

Nâng cấp từ jack 3.5 mm 3-pin lên USB-C 24-pin cũng sẽ làm giá thành đội lên kha khá, chưa kể đến việc thêm một tiêu chuẩn sản phẩm mới sẽ làm xuất hiện hàng ngàn mẫu mã cả chính hãng và hàng nhái, tạo nên nỗi phân vân không nhỏ cho người dùng. USB-C đang được giới thiệu là tương thích hoàn hảo với Android nhưng đâu phải các nhà sản xuất không được phép phát triển các mẫu USB-C mới theo tiêu chuẩn độc quyền của mình. Hầu bao của người dùng trên lý thuyết sẽ được tiết kiệm nhưng hình như lại đang có nguy cơ bị tấn công nhiều hơn.

monospace-usb-c-5.jpg

Chuẩn Android USB Audio hiện nay cũng chỉ mới hỗ trợ USB Audio Class-1, có nghĩa là thông tin truyền tải qua chỉ có dạng packet PCM adaptive / async. Nếu vậy thì file MP3 hay FLAC vẫn phải được xử lý bởi smartphone trước khi truyền tải qua cổng USB-C đến tai nghe. Lúc đó các hãng sản xuất phần cứng sẽ giới thiệu thêm một chuẩn định dạng mới nào đó (nhất là Apple) với các lời quảng cáo tâng bốc nhằm thu lợi. Các tính năng riêng biệt của mỗi thiết bị cầm tay sẽ không giống với các thiết bị khác dù là sử dụng cổng cắm giống nhau, mỉa mai thay.

LeEco cách đây không lâu có giới thiệu định dạng độc quyền CDLA (Continuous Digital Lossless Audio) với lời giới thiệu có tính năng truyền tải riêng biệt nhưng thật ra cũng chỉ khác biệt một chút so với các định dạng lossless thông dụng. Định dạng mới này tuy vậy lại chỉ được hỗ trợ trên thiết bị cầm tay của LeEco, tạo ra một thị trường khép kín độc quyền cho riêng mình. Apple mạnh tay loại bỏ jack 3.5 mm cũng có thể là tiền đề cho cái gì đó độc quyền trong tương lai.

Ngoài ra, với sự ra đời của USB-C các thương hiệu tai nghe nhỏ lẻ chắc chắn sẽ không đủ sức cạnh tranh với các ông lớn và sẽ bắt buộc phải giảm giá thành. Kết quả của việc giảm giá sẽ là linh kiện tồi hơn cũng như chất lượng gia công kém đi, góp phần giết chết thị trường tai nghe tầm trung và không chuyên vốn là bữa ăn chính nuôi sống ngành công nghiệp thiết bị âm thanh.

Kết

Hiện vẫn chưa có thông tin chính xác về việc USB-C có thể thay thế hoàn toàn cho 3.5 mm trong tương lai hay không. Tuy vậy một số thương hiệu công nghệ như Intel, AMD... hiện đang xúc tiến nghiên cứu một chuẩn USB-C chung nhằm đồng bộ hóa khả năng kết nối giữa các thiết bị âm thanh, tạo ra lợi thế cho người chơi âm thanh máy tính (computer audio) trong tương lai. Nhìn chung vị thế của jack 3.5 mm vẫn chưa lung lay quá nhiều nếu không muốn nói là chưa suy suyển gì, nó đã được sử dụng từ năm 1910 cho đến nay và thực sự sẽ cần một bước ngoặc cực lớn để nó có thể lui vào dĩ vãng. USB-C cũng sẽ phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm nữa là bluetooth khi ngày càng nhiều người nghe nhạc chuyên nghiệp tin dùng và lựa chọn cho mình một chiếc tai nghe không dây.

  • Nguồn androidauthority