Năm dạng driver tai nghe người chơi âm thanh nên biết

Không chỉ đau đầu tìm kiếm cho mình một chiếc tai nghe vừa ý, một số người dùng nhất là người mới bước vào thế giới tai nghe chắc chắn sẽ còn lẫn lộn bởi các dòng tai nghe chuyên biệt mà không biết nên chọn loại nào. Bài viết sau đây sẽ phân tích 5 dạng tai nghe phổ biến nhất trên thị trường hiện nay nhằm cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn rõ hơn về các sản phẩm âm thanh mà mình đang quan tâm. Chủ đề này không mới, trên trang mình cũng có viết về từng loại rồi nhưng mà một bài ngắn gọn súc tích thì chưa :D

Đầu tiên hãy khoan đi chuyên sâu vào các kiểu tai nghe riêng biệt làm gì, chúng ta hãy cùng điểm qua các thành phần và đặc điểm chính mà một chiếc tai nghe phải có. Một chiếc tai nghe để có thể hoạt động sẽ cần đến driver. Driver tai nghe là một tổ hợp gồm nam châm, cuộn cảm và màng diaphargm hình nón (với kích thước đo tính bằng mm), đảm nhận việc chuyển đổi tín hiệu điện thành sóng âm mà tai người có thể hiểu được. Driver cũng có nhiều kích thước từ cực nhỏ đến cực lớn và đây là yếu tố chính ảnh hưởng đến chất âm của một chiếc tai nghe.

Thiết kế driver đơn (1 driver) hay nhiều driver cũng làm gia tăng chất lượng âm thanh của tai nghe mà dễ nhận thấy nhất là ở thông số tần số đáp ứng. Ở thiết kế driver đơn, mức tần số đáp ứng tiêu chuẩn là 20 Hz ~ 20 kHz tuy nhiên khi sử dụng nhiều driver con số này có thể được đẩy lên cao hơn rất nhiều, nhất là ở các dòng tai nghe cao cấp đắt giá. Điểm quan trọng cuối cùng nói lên chất lượng của một chiếc tai nghe là loại driver mà nó sử dụng, chia làm 5 loại gồm: dynamic, balanced armature, planar magneticelectrostatic và magnetostriction (hay còn gọi là bone-conduction).

Dynamic

Driver dynamic là kiểu thiết kế thông dụng nhất hiện nay xuất hiện ở cả các dòng tai nghe không chuyên, trung cấp và cao cấp. Nó cũng là loại driver có chi phí gia công rẻ nhất nên dễ dàng tiếp cận hơn với người dùng có mức chi tiêu không cao. Driver dynamic gồm có nam châm neodymium, cuộn cảm và màng diaphragm, hoạt động bằng cách sử dụng từ tính của nam châm để truyền tải rung động vật lý đến màng diaphragm. Các rung động này sẽ tạo thành sóng âm truyền đến tai người nghe.

monospace-headphone-drivers-planar-magnetic-dynamic-electrostatic-2.jpg

Cụ thể hơn, từ tính của nam châm neodymium sẽ biến cuộn cảm thành một nam châm điện, tạo ra từ trường dựa trên dòng điện đi qua nó. Cuộn cảm được gắn chặt vào màng diaphragm nên khi nó dao động màng diaphragm sẽ dao động theo và tạo ra âm thanh. Do phương thức hoạt động rất đơn giản nên driver rất dễ kéo và không đòi hỏi quá nhiều năng lượng, tuy vậy nó cũng là kiểu driver bị ảnh hưởng nhiều nhất từ méo tiếng khi hoạt động ở mức âm lượng cao (non-linear distortion).

Khá nhiều dòng tai nghe cao cấp vẫn sử dụng thiết kế driver dynamic, nổi bật là Fostex TH610 hay Sennheiser HD800.

Balanced Armature (BA)

Driver BA sở hữu kích thước nhỏ hơn nhiều so với driver dynamic và dễ dàng nằm gọn trong các sản phẩm tai nghe IEM. Chúng cũng có phí gia công cao hơn driver dynamic nên sẽ ít khi xuất hiện trong các dòng tai nghe giá rẻ. Thành phần chính của driver BA gồm một cuộn dây nằm giữa 2 nam châm. Từ trường của 2 nam châm này sẽ quyết định dao động của cuộn dây khi có dòng điện đi qua. Ở chế độ không tải, cuộn dây sẽ ở vị trí cân bằng giữa 2 nam châm, đây là trạng thái “balanced” (như trong tên gọi Balanced Armature).

monospace-headphone-drivers-planar-magnetic-dynamic-electrostatic-3.jpg

Driver BA có thể được tuning theo một dải tần mong muốn và sau đó kết hợp nhiều driver BA thành một hệ thống driver hoàn chỉnh cho tai nghe, hoặc kết hợp cùng driver dynamic thành thiết kế driver hybrid. Với thiết kế driver hybrid tiêu chuẩn thường thì driver dynamic sẽ đảm nhận dải bass và driver BA xử lý các dải còn lại. Cấu tạo driver BA cũng không sử dụng lỗ thoát khí như ở driver dynamic, từ đó cung cấp mức kín âm và độ chi tiết cao hơn cho âm thanh tổng thể.

Planar Magnetic

Driver planar magnetic thường xuất hiện trong các sản phẩm tai nghe open-back over-ear. Kiểu driver này có phương thức hoạt động khá giống so với driver dynamic khi sử dụng từ trường để tạo ra âm thanh. Tuy nhiên thay vì sử dụng cuộn cảm thì màng diapharm của driver planar magnetic chịu ảnh hưởng trực tiếp của từ trường nam châm. Để đảm bảo dao động của màng diaphragm được đồng đều, nam châm trong thiết kế driver planar magnetic thường khá lớn và làm chiếc tai nghe nặng hơn. Tai nghe planar magnetic cũng đòi hỏi dòng nguồn cao hơn để kéo nên người dùng thường được khuyến nghị sử dụng thêm amplifier chuyên dụng.

monospace-headphone-drivers-planar-magnetic-dynamic-electrostatic-4.jpg

Vì các lý do này, tai nghe planar magnetic không phù hợp cho nhu cầu portable như đối với tai nghe dynamic. Mức giá của nó cũng cao hơn (đôi khi rất nhiều) so với tai nghe dynamic. Kiểu driver này còn cho chất tiếng cực tốt với bass sâu và hầu như không có méo tiếng, được dân audiophile ca tụng như một định mức chất lượng tuyệt đối.

Electrostatic

Driver electrostatic hoạt động khác rất nhiều so với dynamic hay planar magnetic, sử dụng thiết kế phân cực (- / +) để đẩy màng diaphragm thông qua các phân tử khí. Thiết kế driver này khá phức tạp và rất khó kéo, đòi hỏi các thiết bị amplifier chuyên nghiệp và đắt tiền. Không cần phải nói bạn đọc cũng biết driver electrostatic sẽ có chi phí gia công cao và chỉ có mặt trong các dòng tai nghe cao cấp.

Tuy không mấy hợp nhãn vì mức giá cao cùng khả năng portable thấp, tai nghe electrostatic bù lại sở hữu chất lượng âm thanh có thể nói là cao nhất trong các dạng tai nghe trên thị trường hiện nay. Nó cho chất tiếng cực kỳ chi tiết với âm tầng trung thực và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi méo tiếng.

Magnetostriction (Bone-Conduction)

Tai nghe bone-conduction không cần phải trực tiếp đeo vào ống tai mà vẫn có thể truyền âm qua xương hàm đến phần tai trong của đầu người. Nghe thì có vẻ giả tưởng quá nhưng các dòng tai nghe bone-conduction hiện đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều ở phân khúc tầm trung – cao, chủ yếu nhắm vào người dùng chơi thể thao. Một số sản phẩm tai nghe bone-conduction của Nhật Bản còn có thêm tính năng chống nước dành riêng cho các vận động viên bơi lội.

Nói chung chất âm của tai nghe bone-conduction không thực sự quá ấn tượng và phần nhiều giống như đang đeo một chiếc loa nhỏ trên mặt mà thôi. Tuy vậy nó lại rất thuận tiện sử dụng ở những trường hợp cần thiết khi người dùng không thể đeo một chiếc tai nghe thông thường. Công nghệ bone-conduction hiện cũng đang được nghiên cứu trong y học dành cho người bị giảm hoặc mất thính lực.

Trên đây là 5 kiểu tai nghe cơ bản thường thấy dành cho người mới “dấn thân” vào thế giới tai nghe cũng như những ai muốn tìm hiểu thêm về chiếc tai nghe mà mình đang sở hữu. Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm một số kiến thức bổ ích để sắm cho mình một chiếc tai nghe phù hợp.

Nguồn headphonesty