Chân dung người chơi đĩa than

Hồi còn 20, tay A. mềm mại và sạch tinh như sữa chua trong hộp. Tuy nhiên cô còn thiếu cái gì đó có thể đốt lên lòng khao khát của đàn ông và thúc đẩy họ dắt cô đến bàn thờ Chúa (cô theo Công giáo) làm lễ thành hôn. Gần 40 tuổi A. vẫn là cô gái già. Cũng có người tìm đến A. Người thì cục mịch như bức tường đất, người thì tốt tươi, song chỉ lăm le tìm cách để chia rẽ cô với khối tài sản đồ sộ làm nền cho sắc đẹp bị hao mòn của cô, nên cô bắt đầu chán chuyện lấy chồng.

wedding

Thế rồi một hôm, bất ngờ A. lên xe hoa với người đàn ông da bắt đầu như lá khô, tro tàn. A. tiết lộ với cô bạn thân làm phù dâu: “Mẹ tớ bảo rằng anh ấy vẫn chơi đĩa than. Những người nghe nhạc giao hưởng bằng đĩa than là những người tử tế!”. Trước khi các ban nhạc Pop huyền thoại Beatles, Rolling Stones xuất hiện, âm nhạc cổ điển thống trị đời sống âm nhạc thế giới. Hàng đêm, tại những Nhà hát nổi tiếng, nhiều nhà chỉ huy lỗi lạc cùng với dàn nhạc lừng danh của họ biểu diễn các kiệt tác của những nhà soạn nhạc như Bach, Brahms vĩ đại. Hàng chục triệu cái đĩa “than” ghi lại âm thanh các cuộc trình diễn như vậy được bày bán khắp thế giới. Gọi là đĩa than (vì nó màu đen như than hay ban đầu làm bằng than?) thực ra là các đĩa làm bằng nhựa, hình tròn đường kính 30cm, có các rãnh “đựng” âm thanh. Khi được quay với tốc độ 33 vòng/phút, một đầu kim bằng đá quí chạy trên các rãnh làm cho âm nhạc bay lên.

6200turntable_stylus

Vào nửa sau thế kỷ trước, ở Hải Phòng có một gia đình rất đông con và giống nhau ở tình yêu âm nhạc. Họ sống trong một ngôi nhà rất cũ, gập mình thấp xuống mặt đất dưới sức nặng của bầu trời. Thế nhưng, ngày cũng như đêm, người qua đường luôn nghe thấy những giai điệu đẹp tuyệt vời của Beethoven bay lên trời cao từ các cửa sổ màu xanh khép hờ. Nhà họ có một cái máy quay đĩa “mono” và một chồng vài trăm cái đĩa than chủ yếu từ hãng Melodia của Nga ghi các tác phẩm âm nhạc của những bậc thầy thời tiền cổ điển (Monteverdi, Vivaldi,…) cho đến các kiện tướng của âm nhạc hiện đại (Stravinsky, Shostakovich,…). Vào thời bao cấp, cả miền Bắc nghèo như nhau, có được mấy trăm cái đĩa là nhờ tiền lương, tiền không ăn sáng, tiền không may quần áo mới, tiền mừng tuổi Tết của 6 người con từ năm nọ sang năm kia.

242168-vintage_turntable

Cái gia tài đĩa biến họ thành những người am hiểu nhạc cổ điển bậc nhất. Ngay từ ngày ấy họ đã biết về nhạc 12 âm (phi điệu tính) của Schonberg, hay những tìm tòi trong lĩnh vực nhạc điện tử của các nhà soạn nhạc thuộc thế hệ “tiên phong”. Trong làng âm nhạc ai có cái đĩa than mới lại mời họ đến nghe và đánh giá, như ngày nay người ta mời chuyên gia đến thử rượu vang. Hồi đó có nhiều người chơi đĩa than, nhưng sành sỏi và điên cuồng thì không ai so bì được với T. “sầu” – một giáo viên Toán đại học bỏ dạy vì không xa được với đống đĩa than của mình. Chuyện về T. “sầu” nghe nhạc giống như giai thoại. Trong ngôi nhà luôn bừa bộn như vừa mới bị kẻ trộm viếng thăm, ai đến lấy đi thứ gì cũng được, nhưng chớ động vào bộ sưu tầm đĩa của T. được xếp trang trọng, ngăn nắp trong tủ lắp kính có khóa. T. có nước da trắng bệch biểu hiện của người mắc bệnh táo bón vì ngồi quá lâu một chỗ. Treo trên đầu anh là tấm ảnh F.Liszt huyền thoại.

vintage_guitar_by_hybridreaper-d572wkk

Vây xung quanh anh là ngổn ngang cốc chén trà, café uống dở, còn dưới chân anh một con mèo già kêu gừ gừ vì khoái trá. Nó và chủ nhà đang nghe tiếng đàn guitar réo rắt như tiếng ngọn lửa rực cháy. T. thường nghe nhạc quên ăn, cả khi dạ dày đã chảy xuống tận gót chân. Đấy là một người vô cùng nhạy cảm. Một lần nghe Van Cliburn đánh đàn T. đã thốt lên trái tim anh như bị nhổ khỏi lồng ngực vì một vẻ đẹp ẩn chứa sự bi thảm. T. rất độc đáo đến mức cực đoan. Có người nhạc sĩ được cả trào lưu tung hô, thì T. lại thề thà bị cắt môi còn hơn phải khen ông này! Ngoài những thần tượng âm nhạc, quanh anh không có đám đông, cũng chẳng có bạn. Anh sống gần như cô độc trong một ngõ hẻm, chỉ còn âm nhạc chở những giấc mơ của anh từ năm này sang năm khác. Sau ngày miền Nam giải phóng, lần đầu tiên người miền Bắc được nhìn thấy máy quay đĩa “stereo” Pioneer của Nhật Bản. Cũng lần đầu tiên họ được nghe các danh ca, danh cầm, các nhà chỉ huy lỗi lạc và các dàn nhạc kiệt xuất trên những đĩa than của hãng Columbia,… danh tiếng. Song nếu như sách được bán tràn lan trên các đường phố Sài Gòn thì chẳng mấy ai bán đĩa. Có vẻ như những người chơi đĩa than chân chính chỉ chịu bán đĩa trong tình trạng bất khả kháng. H – một con “mọt” đĩa nổi tiếng Hải Phòng – đã gặp được người như thế.

music-vintage-vinyl

Những năm 80, cả đất nước sống trong một giấc mơ đời thường: Không đói, không rét! Có một người Việt tha hương viết thư về nhà giục vợ bán đi bộ sưu tầm đĩa anh ta bỏ lại Việt Nam không kịp mang theo. Nhờ cô bán sách ở Huế dẫn mối, H mua được bộ đĩa than hơn 200 chiếc. Khi đang ngồi chờ xe đò ra Bắc, quản lý thị trường ở Huế hỏi H: Cái gì trong 2 chiếc thùng chằng buộc kỹ càng? H đáp: “Beethoven và Mozart!”. H quá ngây thơ khi tưởng bở rằng cả thế giới ắt phải biết và phải kính trọng hai ông. Anh nhầm! Họ bị quẳng lên xe lam, áp giải về trụ sở phường để chờ thẩm định xem hai ông này có gì độc hại! May thay, H biết nhạc sỹ Trần H nổi tiếng, giám đốc sở Văn hóa Thừa Thiên Huế, có thời làm GĐ sở Văn hóa Hải Phòng. Anh đã viết thư cầu cứu. Và chiều hôm sau, H được nhận lại “Beethoven và Mozart” nhưng không lành lặn: Những vỏ đĩa có chụp hình phong cảnh, người múa balê đã bị ai đó lột mất! Thời cuộc đổi thay. Những chiếc đĩa Nga Melodia không còn. Các máy quay đĩa “mono” chạy mãi kim cũng phải mòn, không có để thay, chỉ còn giá trị như đồ kỉ niệm. Đã thế, đĩa VCD và DVD xuất hiện, ghi được cả hình lẫn tiếng, sử dụng đơn giản, vừa nhiều vừa rẻ, chất lượng âm thanh Stereo tuyệt hảo, khiến cho nhiều người chơi nhạc quay lưng lại với đĩa than. “Đĩa than đã chết!”– một tay từng chơi đĩa than than thở thê thảm như người trong nhà có tang. Thế nhưng, vẫn có người không phản bội đĩa than, dù mỗi lần dùng lại phải rửa đĩa trong nước xà phòng pha loãng, để tẩy bụi bám vào đĩa gây những tạp âm lạo xạo. Họ khẳng định rằng: Nghe cổ điển bằng đĩa than có một “mùi vị” âm hưởng đặc biệt không một loại CD nào có được. May thay, các nhà công nghiệp thế giới lại là “đồng minh” của dân đĩa than. Những máy quay đĩa đời mới ra đời đi kèm với amply bóng điện tử và các cặp loa chuyên dụng phát ra một thứ âm thanh cực chuẩn, siêu đẹp. Dĩ nhiên, đĩa than cũng không còn là đĩa than ngày xưa. Chúng được chế tạo bằng vật liệu nhựa cao cấp, ghi âm bằng công nghệ số hiện đại. Làng chơi đĩa than sống lại và ngày một đông, phần lớn thuộc giới trung lưu trí thức. Cần trí thức vì đĩa than không ghi nhạc sến, chủ yếu là nhạc cổ điển. Phải trung lưu vì đĩa được nhập từ Mỹ, có khi giá đến vài trăm USD/đĩa. Ở Hà Nội có hơn 10 người bán đĩa than, nhưng khi mua đĩa muốn được khuyến mại một gói kiến thức âm nhạc thì chỉ có ở chỗ Nguyễn Văn Ninh phố Hai Bà Trưng.

retro-vintage-photographyhifi-print-vinyl-record-retro-vintage-music-rock-by-shutterink-efw6kz3m

Đây cũng là một “quái nhân” đã chơi đĩa than gần nửa thế kỷ. Sau này dù phải mưu sinh bằng nghề mua bán đĩa than, Ninh không bao giờ coi đĩa than như một thứ hàng hóa bình thường. Một lần, có người quần áo sột soạt, say ngất ngư như một con ngỗng no căng nước vào hỏi mua đĩa Paganini. Trao đổi vài câu, Ninh biết anh này tai điếc và vô cảm như đá tảng. Thấy Ninh lạnh lùng, anh chàng cầm cả cục tiền như chĩa súng vào mặt Ninh đòi mua tất cả quầy hàng. Ninh nổi cơn điên, quát đuổi anh ta: “Đừng bao giờ đến hàng tôi! Paganini không phải là anh thợ cưa!”. Ninh ghét thậm tệ những người từ bé đến lớn chỉ nghe có tiếng bò kêu, nhưng thích hạ nhục âm nhạc tinh tế bằng lời tán thưởng tầm thường. Không biết cô A. có sống hạnh phúc bên người chồng chơi đĩa than hay không, nhưng niềm tin anh là người tử tế chắc đúng, vì như tôn giáo, âm nhạc cổ điển hướng con người tới điều thiện.


  • Gafinvn Sưu tầm