CD có thể có chất lượng cao hơn nhiều so với Vinyl

James Russell theo lời mẹ ông kể lại đã bắt đầu nghịch ngợm sáng chế những món đồ chơi từ động hồi ông mới 6 tuổi. Năm 13 tuổi ông đã bắt đầu biết sửa chữa các vật dụng hàng ngày như máy nướng bánh mỳ, bàn ủi hay quạt máy. Trước khi rời nhà đi học Đại học, ông còn được thuê lắp đặt hệ thống radio cho một đài phát thanh và đó là lần đầu tiên ông nhìn thấy một chiếc an-ten to đến thế. James Russell, giờ đây đã 83 tuổi, hồi tưởng lại quãng đường mình đã đi qua như vậy

James Russell cho biết ông chưa bao giờ có ý định làm các bản thu sử dụng thuận tiện hơn hay portable mà hướng đi duy nhất của ông là làm chúng phải chính xác nhất có thể. Ông nghiên cứu và tìm ra nguyên lý sử dụng quang học để lưu trữ và truy cập thông tin kỹ thuật số, tạo ra một kỷ nguyên âm nhạc mới mang tên Compact Disc (hay còn gọi tắt là đĩa CD). Đĩa CD ra đời góp phần cách mạng hóa nền âm nhạc và gần như đẩy vinyl biến mất trên các kệ đĩa, gây nên rất nhiều tranh cãi giữa người chơi “classic” (vinyl) và “modern” (CD) thời bấy giờ. Một chủ đề thường gặp nhất là lời cáo buộc chất lượng CD kém hơn rất nhiều so với vinyl, rằng nó chỉ là một sự thay thế yếu kém cho bản thu LP mà thôi.

monospace-cd-vinyl-2.jpg

Xu hướng người dùng ngày nay với tiêu chí tiện dụng và nhanh chóng làm đầu đã và đang đẩy đĩa CD vào dĩ vãng, nhường bước cho 2 loại hình mới hơn là download (tải về) và streaming. Tuy nhiên nếu số lượng CD bán ra ngày càng tụt dốc thì vinyl lại theo chiều hướng ngược lại. Đĩa vinyl tự dưng nổi lên như một hiện tượng từ năm 2014, trở thành một trong những thú chơi thời thượng bắt đầu từ dân sưu tập và dân audiophile đang sở hữu đầu xoay. Ngay cả hình thức bán nhạc số hiện nay đôi khi cũng phải tự đánh bóng tên tuổi của mình nhờ cái mác “phát hành thêm cả đĩa vinyl”. Theo Neil Young, cha đẻ của PonoPlayer và dịch vụ PonoMusic khẳng định, “chỉ có vinyl mới là điểm đến duy nhất cho người chơi nhạc chuyên nghiệp và những ai hướng đến chất lượng hoàn hảo, CD chỉ là một con chốt thí nhằm trao đổi chất lượng âm thanh để lấy sự tiện lợi, một trong những trao đổi được xem như là tệ nhất từ trước đến nay”. Dĩ nhiên Neil Young vẫn có cái lý riêng của mình khi nói như vậy, và chúng ta cũng hãy khoan nhận xét hay phản pháo gì về tuyên bố này của ông.

Kỹ sư âm thanh Kees A. Schouhamer Immink qua các bài nghiên cứu của mình đã chứng minh được rằng nếu xét về thông số kỹ thuật, rõ ràng CD có chất lượng cao hơn nhiều so với vinyl và hầu như không bị ảnh hưởng (hay ảnh hưởng rất ít) bởi các nhân tố từ môi trường xung quanh.Tuy nhiên nếu chỉ xét riêng về cảm nhận thì rất khó, nó giống như hút một điếu cigar hay nếm rượu, chúng ta chỉ có thể nhận định đơn giản rằng “tôi thích như thế này hơn” hoặc “như thế này tạo cảm giác tuyệt vời hơn đối với tôi”, chứ nếu khẳng định chắc nịch rằng “cái này hay / tốt hơn” thì chưa chắc là vậy.

monospace-cd-vinyl-3.jpg

Âm nhạc cũng thế, phần nhiều những lời giới thiệu hay đánh giá đều bắt nguồn từ cảm nhận riêng của từng người nghe. Giống như một ca khúc cover dù hay đến đâu cũng khó có thể vượt qua bản gốc, dù nó được chăm chút đến mức nào đi nữa. Đơn giản là người nghe đã quen với bản thu gốc và không dễ dàng gì “chấp nhận” thêm một thứ mới mẻ. Ngược lại, nếu nghe bản cover trước đôi khi chúng ta lại đánh giá thấp bản thu gốc không biết chừng.

Điểm yếu khá dễ nhận thấy và thường được che giấu kỹ càng nhất của vinyl chính là chất lượng bài nhạc đầu tiên trên đĩa càng hay bao nhiêu thì chất lượng bài cuối cùng càng tệ bấy nhiêu. Điều này xảy ra do đầu kim của bàn xoay phải đọc càng nhanh khi càng đến gần tâm đĩa, gây ra cảm nhận âm không còn chính xác nữa. Chuyên gia mix nhạc Clearmountain tiết lộ ông thường test đĩa LP đã mix trên một đầu xoay cũ và có chất lượng thấp, nếu nó bị skip (ngắt quãng) thì đĩa phải được mix lại và không có một ngoại lệ nào.

Thêm nữa là các âm thanh lỗi luôn xuất hiện một cách bí ẩn trên đĩa vinyl: các tiếng tick và pop (gần giống với tiếng sạn và xẹt nhỏ). Clearmountain nói thêm một cách chua chát: “Lúc mix nhạc thường thì rất hay và bạn cảm thấy mình đã làm được một công việc tuyệt vời, chỉ còn chờ xuất ra vinyl và thưởng thức. Ai ngờ khi xong thì thành quả của bạn chỉ toàn noise, tick và pop làm mất hết cả hứng thú nghe quý giá”.

monospace-cd-vinyl-4.jpg

Không như Russell nhắm đến cái đích làm âm thanh chính xác hơn, nhiều kỹ sư và nhà khoa học lại quan tâm nhiều đến phần âm hình tổng thể. Nhà nghiên cứu Wilkinson (Viện khoa học MCA - Torrance) đã từng thử nghiệm thành công đầu thu laser với Master Disc, tạo ra một tiêu chuẩn mới mà chúng ta gọi là Laserdisc. Hai công ty Immink và Philips dựa trên thành quả này đã hợp tác phát hành đầu đọc và đĩa laser để phục vụ cho thị trường. Đáng tiếc là quá trình ra mắt vấp phải nhiều trở ngại không mong đợi và cuối cùng thất bại một cách đáng tiếc.

Chiếc đầu đọc đĩa laser đầu tiên của Philips là Magnavox 8000 ra mắt vào năm 1978 với khoản đầu tư hơn nửa tỷ USD cuối cùng chỉ bán được vài trăm chiếc. Immink nhìn thấy thất bại này và chuyển sang sản xuất riêng đĩa chứa nhạc (audio-only), bắt đầu với các loại hình dễ tiếp cận với người nghe và dễ phô diễn chất âm như classical hay jazz. Năm 1979 Immink được trợ vốn bởi Philips và Sony để bắt đầu sản xuất compact disc và chính thức ra mắt thị trường từ 1982.

Đang trên đà phát triển thì CD lại được tiếp sức thêm nhờ sự ra đời của các thiết bị ADC (Analog-Digital Converter) cao cấp vào năm 1985. Clearmountain nhận định: “CD làm được rất tốt hầu như tất cả những điểm yếu có thể tìm thấy ở vinyl”. Với dòng nhạc classical, CD lưu trữ được những âm thanh cực nhỏ mà ở vinyl chắc chắn sẽ bị che khuất bởi các tiếng tick hay pop khó chịu. Tuy vậy cũng không phải không có những bản thu vinyl hay hơn nhiều so với CD. Đây cũng là điều dễ hiểu đối với CD do quá trình xử lý mastering và mixing đa dạng cũng có thể tạo ra những sai sót khó tránh khỏi làm giảm đi đáng kể chất lượng âm thanh.

monospace-cd-vinyl-5.jpg

Trước khi CD ra đời, khái niệm “Loudness War” với các nhà sản xuất đua nhau tăng âm lượng cho album của mình đến mức cao nhất nhằm gây sự chú ý với người nghe đã là một đề tài không hồi kết. Tuy nhiên CD đã khắc phục được đặc điểm trên, cho phép tăng âm lượng bài nhạc một cách dễ dàng. Về mặt này vinyl không thể nào làm được nhưng lại cho phép người nghe tận hưởng mức DR cao hơn, thứ mà CD không có do đã bị mix quá nhiều.

Vinyl chắc chắn sẽ có chất âm rất khác với CD nhưng đó không phải là điểm duy nhất để người nghe thích nó cũng như các nhà sản xuất chọn lựa nó. Bản thân vinyl có những hiệu ứng độc đáo đặc biệt lồng thêm vào bản thu khiến hầu hết những ai nghe qua đều trở nên phát cuồng. Chất tiếng hơi méo của analog đôi khi gia tăng độ ấm cho âm thanh tổng thể và cho dù trên lý thuyết nó là âm lỗi nhưng nếu người ta thích nó rồi thì sẽ dễ dàng bỏ qua. Vinyl còn tỏa sáng không chỉ về âm thanh mà còn là xu hướng thời đại. Sở hữu một kệ đĩa vinyl hay một vài bản thu LP xịn giống như sẽ làm nâng cao thêm “đẳng cấp” của người sưu tập, cuốn dân chơi vinyl vào guồng xoáy thể hiện bản thân hơn là tận hưởng những gì mà vinyl có thể mang lại.

Trong giai đoạn 60’ và 70’ khi các nghệ sỹ thu âm chủ yếu trên đĩa vinyl, mỗi bản thu được record và mix chỉ trong một giới hạn cho phép nhằm giữ được thời lượng vừa đủ. Mỗi mặt (side) của vinyl chỉ cho phép chứa dưới 20 phút nhạc, các bản thu âm lượng lớn được đặt ở phía rìa đĩa và những bản thu âm lượng nhỏ gần hơn ở tâm đĩa nhằm cân bằng độ méo tiếng gây ra do vòng xoay của đầu kim (như nói trên). Nếu nói về chất lượng âm thanh, vinyl sẽ là thứ cuối cùng các nhà sản xuất và nghệ sỹ hiện nay nghĩ đến khi thu tác phẩm của mình.

monospace-cd-vinyl-6.jpg

Để có những đĩa LP với thời lượng hơn 40 phút, thứ đầu tiên bị cắt đi chính là tần số cao và bass. Âm lượng của bản thu cũng phải được mix nhỏ đi từ đó tạo cơ hội cho các tiếng tick và pop xuất hiện. Âm lượng bản thu càng nhỏ thì người nghe càng phải tăng âm lượng trên dàn âm thanh, từ đó tiếng tick và pop cũng lớn hơn và làm trải nghiệm nghe khó chịu hơn nữa. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện thêm một số khái niệm vinyl mới xuất phát từ các nhãn thu muốn kiếm lợi, nổi bật là “audiophile-quality 180-gram vinyl” cho chất âm tốt hơn vì có khối lượng nặng hơn (chắc nhờ thế tốc độ xoay đồng đều hơn chăng?) Thực sự mà nói thì đĩa vinyl nặng hơn chẳng giúp được gì ngoài gia tăng phí chuyển hàng cũng như vật liệu đúc đĩa, hoặc đôi khi còn làm hư hại đầu kim ở các bàn xoay tầm trung.

Theo khoa học chứng minh, tai người hầu như không thể nghe thấy mức tần số trên 22 kHz, đó là lý do vì sao CD sample chỉ cần dừng lại ở giới hạn 44.1 kHz / 16-bit là đã xem như quá đủ rồi. Với định lý Nyquist-Shannon, để đạt được dải tần mong muốn mức sample phải có giá trị gấp đôi, đúng với nhận định trên (44.1 : 2 = ~ 22). Pono và một số dịch vụ bán nhạc chất lượng cao như HDTracks tuy vậy lại cung cấp nhạc với chất lượng lên đến 192 kHz / 24-bit. Nghe có vẻ như đây là một sự lãng phí nghiêm trọng nhưng một số người dùng khẳng định âm thanh từ các tập tin chất lượng cao này tốt hơn rất nhiều so với tập tin chất lượng trung bình. Đây cũng là một tranh luận đã có từ rất lâu và cũng không có hồi kết.

monospace-cd-vinyl-7.jpg

Một số cuộc thử nghiệm nghe blind-test diễn ra đều cho kết quả tương tự nhau. Người nghe thử không thể phân biệt được đâu là chất lượng hi-res và đâu là chất lượng CD. Nhưng với những người có kinh nghiệm hay kỹ năng nghe, nổi tiếng là Bob Ludwig và Jim Anderson, họ cho biết có thể cảm nhận được sự cải thiện của chất lượng hi-res so với chất lượng CD. Jim Anderson hiện đang là giảng viên khoa Âm nhạc tại trường Đại học New York, đảm trách lớp dạy nghe cho các sinh viên ưu tú. Ông cho biết: “Thông thường nếu người nghe không cảm nhận được sự đổi khác không phải vì tai của họ không nghe được, vấn đề là họ không biết chú ý nghe những gì. Nếu được hướng dẫn chú ý vào những chi tiết nào đó, các khác biệt chắc chắn sẽ dễ dàng được nhận ra mà không phải mất quá nhiều thời gian”. Mặt khác, kỹ sư âm thanh Scott Metcalfe cho rằng bản thu analog cũng không chi tiết hơn là mấy so với bản thu digital, chỉ có điều rằng một số nghệ sỹ thích cái chất distortion của analog và muốn thêm nó vào bản thu của mình mà thôi.

Khó có thể nói đâu là người chiến thắng khi so sánh trực tiếp giữa analog tape với bản thu digital hay vinyl và CD. Chất lượng âm thanh được đánh giá cao hay không tùy thuộc vào những gì mà người nghe và nghệ sỹ muốn có trong tác phẩm. Tuy vậy cán cân đánh giá luôn luôn phải rõ ràng, nếu chúng ta thích thứ gì thì cứ việc tận hưởng nó. Không có lý do gì phải tâng bốc nó lên mây nhằm hạ thấp những thứ còn lại.

  • Nguồn laweekly​ - monospace.vn